Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Nem chả chợ huyện Bình Định

Nem chợ Huyện là một trong những món ăn đặc sản Bình Ðịnh. Mỗi lần có hội hát tuồng là người dân đất võ còn có thú ăn uống. Món ăn tuy nhiều nhưng nổi bật nhất là "nem chả chợ Huyện", nem nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ.

Nem Chợ Huyện đã có từ khoảng trăm năm nay. Chợ Huyện nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Bởi vậy, ca dao bình Định mới có câu:
Ai về Vĩnh Thạnh quê em
Ăn nem Chợ Huyện, đêm xem hát tuồng.

Nem Chợ Huyện ngon chủ yếu là nhờ khâu chọn thịt. Thịt, phải là thịt heo cỏ 6-8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại. Heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm. Một con heo nặng cỡ đó nhưng để làm nem, chỉ lấy được chừng 15 kg thịt nạc lọc từ bốn cái đùi.

Thịt được cắt theo chiều ngang chừng 3cm rồi thái nhỏ, để ráo nước, sau đó cho vào cối đá để quết (giã), dứt khoát không xay thịt bằng máy. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, cỡ chừng 20-30 phút. Trong lúc quết, phải gia thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác (tuyệt đối không dùng hàn the). Khi thịt đã chín, nhuyễn, người ta gia thêm tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ.
Có hai loại nem, nem tươi và nem chua. Nem tươi là nem nướng ăn ngay. Còn nem chua thì để được lâu. Những chiếc nem chua nho nhỏ, xinh xinh, vuông vắn được gói bằng lá chuối chát xanh, miếng nem bên trong được gói bằng lá vuông hoặc lá ổi để hút ẩm. Sau khi gói ba ngày là có thể đem ra dùng.
Nem Chợ Huyện có vị ngon rất riêng và độc đáo: không mềm như nem Thủ Đức, cũng không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu. Lột mấy lớp lá bên ngoài, chiếc nem chua đỏ au hiện ra. Cắn một miếng ngập răng, ta cảm nhận ngay vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, vị thơm béo khó diễn tả.

 Ăn nem phải kèm nước chấm được nhiều người khoái khẩu là nước mắm ngon pha loãng với đậu phụng giã nhỏ, có thêm chút xíu đường và ớt tỏi. Người không cầu kỳ thì chỉ cần vài trái ớt hiểm dằm tương, là có thể vừa ăn vừa xuýt xoa cái sự thơm ngon của một đặc sản vùng quê Bình Định. Nem hoàn toàn bằng thịt nạc nên ta có thể ăn no mà không sợ hàn. Cứ một miếng nem tợp một ngụm rượu Bàu Đá trong vắt, thơm nồng thì không có gì bằng.
Nem là món ăn được người dân Bình Định dùng khá phổ biến, từ những chiếc nem được cắt tỉa trang trọng trong các lễ cưới hỏi, giỗ chạp đến những chiếc nem bày đơn sơ nhắm cùng rượu Bàu Đá, nem chợ Huyện đã tạo nên một "thương hiệu" đặc sản và ẩm thực của miền đất võ.
Nem Chợ Huyện còn là một thứ quà thấm đẫm chất quê theo chân du khách, người làm ăn xa lan tỏa đi khắp nơi, sang cả nước ngoài. Ai đi đâu về đâu, cũng tranh thủ xách theo một xâu nem Chợ Huyện làm quà tặng. Nếu bạn chưa một lần thưởng thức nem Chợ Huyện, hãy về Bình Định một lần để thưởng thức vị ngon không thể quên của món ăn này.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Chả lụa Chợ Huyện nét đặc trưng của người Bình Định

Đặc sản Chả lụa Chợ Huyện nét đặc trưng của người Bình Định
Nhắc đến Bình Định, du khách không còn lạ gì với hình ảnh Quang Trung Nguyễn Huệ người anh hùng của dân tộc mà còn là nơi hội tụ của rất nhiều tinh hoa của nhân loại. Đến Bình Định du khách sẽ được ghé thăm các khu du lịch sinh thái nỗi tiếng như Ghềnh Ráng với lăng mộ Hàn Mạc Tử, với bãi tắm Hoàng Hậu với vẻ đẹp huyền bí của bãi Trứng, chiêm ngưỡng tài năng bút lửa Dũ Kha, không những thế tại đây du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của Tháp Đôi, được hòa mình vào nét huyền bí của tháp Bánh Ít...

Chả lụa chợ huyện đặc sản Bình Định
Không những là địa danh của những cảnh đẹp, Bình Định không những là cái nôi của các làng nghề mà còn là nơi hội tụ của rất nhiều món ăn dân dã đặc sản Bình Định. Đến với Bình Định du khách hãy dành cho mình một ít thời gian dạo quanh để thưởng thức, hòa mình vào cái dân dã của quê hương, được thưởng thức bún chả cá Quy Nhơn, được ăn bánh xèo tôm nhảy Tuy Phước, cái đặc biệt của bún Rạm Phù Mỹ, thưởng thức thơm ngon của cá niên An Lão...Đặc biệt hơn nữa khi ghé về Tuy Phước ta bắt gặp những món ngon nỗi tiếng như bánh hỏi thịt heo, nem chả Chợ Huyện...
Nói đến Chợ Huyện, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vị thơm ngon của chả lụa thịt heo xứ nẫu.
Từ ngàn xưa chả lụa chợ huyện vốn là món không thể thiếu trong các bữa tiệc tùng, cưới hỏi, lễ tết của người dân nơi đây bởi vị thơm ngon hòa quyện. Là món quà hấp dẫn và có ý nghĩa thiết thực cho người thân, bạn bè sau những chuyến gần xa.
Chả lụa chợ huyện nguyên liệu chính là làm bằng thịt heo nạt nguyên chất quết nhuyễn, không hàn thế nên tạo được hương vị thơm và dai, rất ngon.
Chính vì vậy, dù đi bất cứ nơi đâu nếu có dịp ghé về Bình Định du khách hòa mình vào những món đặc sản thôn quê dân dã, hãy thỏa sức tận hưởng vị thơm ngon đặc sắc của chả lụa chợ huyện.

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Bánh ít lá gai nét đặc trưng của người Bình Định

Đặc sản thôn quê các vùng miền luôn luôn cập nhật và thông tin tới mọi người những loại đặc sản miền trung nói chung và đặc sản Bình Định nói riêng cho khắp anh chị em trên mọi miền biên cương tổ quốc.
Bánh ít lá gai từ xa xưa luôn là một món ăn không thể thiếu trong các dịp cúng giổ, đám hỏi,..v..v nó đại diện cho một nét văn hóa, một điều gì đó hết sức thiên liêng cho cả một vùng miền.
Bánh ít lá gai còn nổi tiếng với các câu ca như:
"Muốn ăn bánh ít lá gai,
Có chồng Bình Định cho dài đường đi."

Bánh ít lá gai nét đặc trưng của người Bình Định

Bánh ít lá gai là đặc sản của Bình Định. Sau này, cách làm bánh lan rộng khắp vùng ven biển miền trung. Bánh ít lá gai Bình Định nổi tiếng vì hương vị thơm ngon. Khi đi chơi xa hay thăm người thân, người Bình Định thường làm, hoặc mua vài ba chục bánh mang theo ăn dọc đường, hoặc để biếu, làm quà. Dù để năm, sáu ngày sau, bánh vẫn ngon.

Nhất là vào những ngày Tết Nguyên đán, mồng Một, Rằm, Tết Đoan Ngọ (5-5) người Bình Định, rồi cả Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên... đều làm, hay mua ba bốn chục chiếc bánh ít lá gai để cúng tổ tiên.

Ông bà thường dặn con cháu: ""Con gái Bình Định không biết làm bánh ít lá gai thì chưa thể làm dâu nhà chồng"". Làm nên chiếc bánh phải kỳ công, vất vả cùng với sự khéo léo, thành thục. Nguyên liệu phải đủ năm thứ: lá gai, gạo nếp, đường, đậu xanh và lá chuối. Lá gai luộc chín, cho vào cối quết nhuyễn. Gạo nếp giã, xay, nghiền thành bột. Đường thì nấu đến độ đặc sánh. Ba thứ nguyên liệu đó trộn, nhồi thật đều, rồi đem chia ra thành từng miếng. Đậu xanh đãi vỏ, đem hấp, giã mịn, viên tròn dùng làm nhân. Nhân điểm mấy miếng bí đao xắt hạt lưu, lá chuối hơ lửa gói bánh. Cho vào nồi hấp chín. Để nguội, khi ăn bóc lớp lá chuối, chiếc bánh lộ ra một mầu đen tuyền, bóng láng. Thưởng thức miếng bánh ta thấy được vị thơm rất đặc trưng, tinh khiết của lá gai, của gạo nếp, của đường, đậu xanh hòa quyện vào nhau. ở Bình Định, bánh thường mô phỏng hình nóc chùa.

Bánh ít lá gai - thứ bánh dân dã mà ngon ngọt, đậm đà, quyến rũ. Mỗi khi nhớ về xứ dừa Bình Định với bánh tráng nước dừa Tam Quang, người xa quê lại nao nao nhớ về vị thơm ngọt của bánh ít lá gai.
Ngày nay với nhiệp độ phát triển nhiều loại bánh mới, đóng hộp sang tọng. dần dần mai một đi một sản phẩm văn hóa của Bình Định. Là một dân bình định chính gốc dù có đi đâu khắp mọi miền tổ quốc chắc hẳn sẽ mãi còn nhớ món đặc sản này.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Bánh khẩu thuy một nét rất riêng của Bắc Kạn

Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh ngon không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy.
Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Bước sang tháng chạp, bà con người Tày bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm Khẩu Thuy. Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Sau khi đồ chín, cho tất cả vào giã. Giã Khẩu Thuy cũng như giã bánh dày. Giã đến khi cối bánh lên bọt trắng, giơ chày quá đầu người không thấy bột bánh dính đầu chày nữa thì mới được. Để giã được một cối bánh không phải đơn giản. Vậy nên, các cụ ngày xưa muốn thử sức con rể thì việc đầu tiên là cho giã một cối bánh dày. Giã càng nhanh, càng nhuyễn thì càng “đạt yêu cầu”. Giã bánh xong, đổ ra một cái mẹt to và cán cho thật mỏng. Chờ cho bánh nguội bớt, siu mặt thì đem cắt từng miếng hình quả trám hoặc hình vuông. Đem phơi khô tất cả để chờ đến tết hoặc ngày hội mới đem rang phồng lên. Rang Khẩu Thuy cho phồng hết cỡ để khi ăn không bị lợn cợn những miếng bánh dẻo chưa phồng hết cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cho bánh vào chảo gang, lúc đầu cho lửa thật nhỏ để miếng bánh nóng, sau tăng lửa dần để bánh phồng đều.

Công đoạn cuối cùng để hoàn thành món bánh này là tẩm đường cho bánh. Đun sôi mật mía, trút bánh đã rán phồng vào đảo đều, sau đó, đổ ra mẹt đã tra sẵn một chút bột gạo rang. Để giữ được lâu, người ta cho vào túi nilông buộc kín sẽ khiến bánh không bị ỉu mà vẫn giữ được hương vị.Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Đặc sản măng Vầu Bắc Kạn

Cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, khi cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống, người dân trên khắp các bản làng ở Bắc Kạn lại gọi nhau lên rừng đào cái măng non, ríu ran như đi hội. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn. Vì thế, người ta thường vào rừng tìm măng khi mùa xuân vừa tới.


Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng như: Măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai,... Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ "măng vầu" hay còn gọi là "măng đắng". Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác.



Theo kinh nghiệm của những người đi hái măng, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị nhặng nhặng đắng, thế nhưng hễ có tiếng sấm hay bắt đầu từ tháng 2 âm lịch là măng lại chuyển sang vị đắng.

Ở Bắc Kạn, người ta có thể chế biến măng thành rất nhiều món hấp dẫn. Măng củ (loại măng vầu được đào lên từ trong lòng đất) vốn đặc ruột thì để hầm xương hoặc lạng thành từng lát mỏng và dài để cuốn thịt. Còn với loại măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) vì có vị đắng nên muốn ăn được thì phải luộc kĩ với muối sau đó ngâm nước lạnh, phần thân măng thái mỏng xào tỏi, phần áo măng để cuốn thịt răm hấp chín.

Nhưng ngon hơn cả vẫn là món măng luộc chấm mắm tôm chanh ớt. Có thể luộc cả măng củ và măng cái. Người không ăn được đắng có thể ăn loại măng củ luộc, chất non ngọt của củ măng tạo cho món ăn một hương vị dìu dịu, mát ruột và rất dễ ăn. Những người sành ăn măng thì hay chọn ăn loại măng luộc thật đắng. Vì như vậy mới cảm nhận hết được sự thú vị của món ăn này, cái cảm giác đắng, chát cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ. Và khi đã ăn một lần đều muốn ăn thêm lần sau.

Ngày xuân, lên với đồng bào Bắc Kạn, trong mâm cơm đón khách, sẽ chẳng thể nào thiếu được món ăn chế biến từ măng vầu. Dù chế biến cách nào, cái món ăn ấy vẫn chất chứa những cái hồn hậu, mộc mạc tinh nguyên của núi rừng. Đắng đấy, nhưng cũng thật ngọt ngào làm sao.

Tôm chua Ba Bể vị ngọt say lòng thực khách

Tôm chua Ba bể là món ăn ngon, có mặt ở nhiều nơi và nhiều vùng chế biến nhưng tôm chua ở Khang Ninh- Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt của vùng miền núi Việt bắc. Du khách đến Bắc Kạn mà không được thưởng thức tôm chua Ba Bể thì thật sự đáng tiếc . Hiện nay cứ 5 ngày một phiên tôm chua được bày bán tại chợ Khang Ninh (trên đường du khách vào tham quan hồ Ba Bể) bởi lẽ nó không chỉ là món ăn quen thuộc của đồng bào miền núi nữa mà nó đã được nhiều du khách thập phương biết đến.


Ở vùng này người ta thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)...Quý khách đến đây giữa cảnh trời mây non nước của Ba Bể mà được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ nữa sẽ thấy được cái cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyên với vị ngọt của tôm thì quả là lý thú.

Chắc quý khách sẽ tò mò muốn biết cách chế biến tôm chua Ba Bể như thế nào mà có được hương vị đậm đà như vậy. Trước hết là cách chọn tôm: con tôm làm mắm chua phải đều nhau,mình tròn, béo, râu ngắn.

Con tôm mới bắt về còn đang nhảy tanh tách, nhặt hết rác, râu rửa sạch để cho ráo và xóc muối; đồ xôi chín (chọn loại nếp nương hạt tròn đều) dỡ ra giá để nguội sau đó trộn đều với men lá, thời gian để ngấm men tuỳ thuộc vào bí quyết mỗi gia đình; tỏi, ớt, riềng mỗi thứ một ít đập dập thái chỉ. sau đó trộn đều tôm, xôi và các loại gia vị trút vào vại đậy kín sau từ 7 đến 10 ngày ( theo thời tiết từng mùa) tôm bát đầu chua, đến ngày thứ 30 tôm bốc mùi thơm ngon lúc này theo khẩu vị mỗi người mà nêm thêm ơt, đường, bột ngọt. Sau một vòng du ngoạn Ba Bể du khách có thể tìm mua một vài hũ tôm chua mang về ăn dần hoặc biếu người thân của mình.

Tôm chua thường được ăn chung với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kỹ thái mỏng, một đĩa khế chua, nem thính tai lợn, chuối xanh, búp đinh lăng, lá mậy sâu (loại cây trên rừng)…

Đến Ba Bể, sau khi du ngoạn, thưởng lãm cảnh trời mây non nước được nhấm nháp tôm chua thêm một chén rượu ngô nho nhỏ thì thật là thú vị. Cảm giác lâng lâng êm ái, thấm thía cái vị béo của thịt, vị cay của tỏi ớt ,vị thơm của riềng, của búp mậy sâu hoà quyện với vị ngọt của tôm như làm say lòng thực khách.

Lạp xường Bắc Kạn hun khói món ngon nổi tiếng

Lạp xường hun khói của miền núi là một trong những món ngon đặc sản của các dân tộc. Đặc biệt lạp xường Bắc Kạn có một vị đặc trưng không trộn lẫn ở các vùng quê khác hãy cùng tim kiếm và chia sẽ hương vị về món ngon đặc sản của Bắc Kạn này nhá.

Mỗi dịp tết đến, đã thành lệ, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, người dân khắp các bản làng ở Bắc Kạn lại nô nức rủ nhau mổ lợn. Cứ hai, ba nhà chung nhau đụng một con. Thịt để làm nhân bánh chưng, làm các món kho, nướng, quay, luộc… ăn trong mấy ngày tết. Và bao giờ người ta cũng dành ra một ít lòng non, một phần thịt để làm lấy một vài cân lạp xường (có nơi còn gọi là lạp xưởng hay lạp sườn).


Làm lạp xường cũng rất cầu kỳ và công phu. Đầu tiên phải chọn lòng để làm lớp vỏ lạp xường. Lòng non để làm lạp xường phải chọn đoạn lòng đắng vì phần lòng này dai và khá dày, làm lạp xường mới được. Sau khi tuốt rửa sạch lại phải bóc, lột bỏ lớp vỏ ngoài của lòng đi, chỉ lấy lớp màng mỏng bên trong. Việc bóc lòng không khó, chỉ cần khéo léo và nhẹ tay một chút. Lòng bóc xong, thổi hơi vào cho phồng lên, buộc chặt hai đầu, đem hong chỗ thoáng gió. Khoảng một tiếng đồng hồ, bộ lòng se lại, mỏng và dai như ni lông. Thế là được phần vỏ lạp xường.

Để làm nhân lạp xường hun khói người ta chọn loại thịt nửa nạc nửa mỡ. Bởi nạc nhiều, lạp xường sẽ khô, sác; mỡ nhiều, lạp xường sẽ nhão, ăn mau ngấy nên loại thịt thích hợp nhất để làm lạp xường là thịt vai. Thịt được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt. Và không thể thiếu một ít rượu trắng, một ít nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng. Theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây thì ướp thịt với rượu trắng và nước gừng như vậy khiến cho lạp xường sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, để được lâu mà không bị hỏng.

Công việc phức tạp nhất là nhồi lạp xường. Với một chiếc phễu và một chiếc đũa, từ từ dồn thịt vào cho đầy phần lòng non đã chuẩn bị. Để dễ làm, cứ nhồi được chừng hai ba mươi phân thì buộc lại thành khúc. Thỉnh thoảng lại lấy kim châm vài chỗ cho khí thoát ra để lạp xường khỏi nứt. Nhồi xong thì đem lạp xường đi phơi nắng cho khô dần. Hoặc đem hong trên gác bếp. Hơi ấm của bếp lửa sẽ làm lạp xường se lại, săn chắc. Lạp xường được nắng, được hơi lửa, cứ ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn. Ngày 27, 28 làm lạp xường thì khoảng mồng 2, mồng 3 tết là ăn được.

Lạp xường hun khói khi đã khô thì để nguyên cả khúc đem chiên cho chín sau đó mới thái lát, khi ăn chấm với mắm gừng. Hoặc thái lạp xường thành các khoanh dầy vừa phải, chờ cho mỡ trong chảo thật nóng già thì cho lạp xường vào, đảo lên, rưới thêm ít nước mắm, rắc thêm chút hành tươi. Đĩa lạp xường hun khói thơm phức, mới trông đã thấy thèm. Cho nên ngày tết, dù có bao món ngon, lạp xường vẫn là món được mọi người đụng đũa nhiều hơn cả.

Lạp xường được làm bằng bàn tay của người Bắc Kạn có mùi của nắng vùng cao, mùi của khói bếp, thoảng mùi gừng, mùi rượu, mùi mắc mật thơm một cách đặc biệt. Vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau, ăn thật ngon miệng. Thêm chút rượu nữa thì càng thêm khoái khẩu.